HỌ TÔ DUY GỐC MẠC, XÃ QUỲNH NGHĨA, HUYỆN QUỲNH LƯU, TỈNH NGHỆ AN


Xã Quỳnh Nghĩa đón nhân Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 9 năm 2018 (Ảnh TL)

          Họ Tô Duy xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An còn giữ được cuốn gia phả gốc có tên là “Phú nghĩa Tô tộc phả” (Phú Nghĩa là địa danh khi hình thành Họ Tô Duy, nay là xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) bằng chữ Hán, được viết vào những năm đầu Thành Thái (1889 - 1907).

           Trong bài tựa gia phả có ghi: Họ ta ở Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu không biết từ đâu đến và đến từ bao giờ. Nghe truyền lại rằng, trong thời gặp biến, Tộc phả tiêu tan, thế thứ không còn bằng chứng để tra khảo; cận đại liệt biên chỉ biết ông Tổ 7 đời về sau. Thế thứ các đời là phần chủ yếu của gia phả, ghi chép từ Thủy tổ đến đời 7. Trong đó, hai đời đầu mang Họ Mạc, từ đời 3 về sau mang Họ Tô Duy.

          Đến năm 2005, Tộc phả đã tồn tại trên 100 năm, hậu duệ phát triển thêm 7 đời, nhưng chưa được bổ sung. Họ Tô Quỳnh Nghĩa quyết định tái bản Tộc phả nhằm sửa chữa những chỗ chưa chính xác, bổ sung phần còn thiếu và viết tiếp từ đời 8 về sau. Vào thời điểm này, nhà Mạc đã được chiêu tuyết, chúng tôi có điều kiện tham khảo các tài liệu mới, có liên quan đến lịch sử dòng họ để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề mà gia phả chưa đề cập hoặc có nói đến nhưng chưa đầy đủ. Bài viết này xin giới thiệu với đại Tô tộc Việt Nam phần hình thành và phát triển của Họ Tô Duy ở Quỳnh Nghĩa.

          Thủy tổ của Họ Tô xã Quỳnh Nghĩa là Mạc Quý Công húy Nguyễn, tự Nha Úy. Tổ bà Họ Trương tên là Gia Nha, là con gái Quỳnh Lâm hầu Trương quận công (?).

          Về họ, tên của Thủy tổ có hai vấn đề cần nghiên cứu thêm:

          - Nha Úy là tên tự của Thủy tổ hay là một chức quan? Vì sách “Các triều đại Việt Nam” (NXB Thanh niên - 1999), trang 317 có đoạn viết: “Năm 1627, chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong cho Đào Duy Từ chức Nha nội úy”. Vậy Nha Úy có phải là chức quan của Thủy tổ hay chỉ là tên tự.

          - Thủy tổ đến Phú Nghĩa vào thời gian nào và khi đó đã cải sang Họ Tô chưa hay vẫn là Họ Mạc như ghi trong gia phả.

          Gia phả viết: “Họ ta ở Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu không biết từ đâu đến và đến từ bao giờ”. Từ đâu đến, hiện nay chưa có manh mối để xác định. Còn đến từ bao giờ, có thể tìm ra nếu biết năm sinh của Thủy tổ. Năm sinh của Thủy tổ, đoán được bằng cách dựa vào năm sinh đã biết của một ông Tổ đời 7, theo trực hệ tính ngược về đời 1. Bằng phương pháp này, chúng tôi suy ra Thủy tổ sinh vào khoảng năm 1680.

          Sau khi xác định được năm sinh, kết hợp với các yếu tố liên quan như Thủy tổ đến Phú Nghĩa lúc mới lấy vợ, nên có thể dự đoán cụ Nha Úy đến Phú Nghĩa vào khoảng năm 1700.

          Sách “Các triệu đại Việt Nam” có đoạn ghi: Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), nhân lúc vua Lê ươn hèn, các quan trong ngoài triều tranh giành xâu xé lẫn nhau, An Hưng vương Mạc Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi và xưng đế; triều Mạc trị vì đất nước được 66 năm (1527 - 1592), trải qua 5 đời vua, nếu tính cả ba đời triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng thì tồn tại được 162 năm (1527 - 1688). Đến năm 1592, vua cuối cùng Mạc Mậu Hợp bị giết. Tuy nhiên, quân Lê – Trịnh mới cơ bản đánh tan được nhà Mạc ở kinh đô và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Còn dư đảng nhà Mạc vẫn chiếm giữ các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh phải nhiều lần phái những đội quân lớn lên đánh Mạc. Đến năm 1688 dư đảng cuối cùng mới bị dẹp yên.

          Theo các tư liệu lịch sử, năm 1592 Lê – Trịnh đã kéo quân xuống Cổ Trai thiêu hủy cung điện, nhà từ đường, san phẳng mồ mả và sát hại 60 người thuộc Hoàng tộc nhà Mạc. Năm 1593 quân Trịnh lại tiến hành nhiều đợt khủng bố lớn các cựu thần và hoàng thân quốc thích nhà Mạc. Từ năm 1623 – 1662 các đời Trịnh Tráng và Trịnh Tạc còn dấy lên nhiều đợt truy tìm, nhằm diệt tận gốc ảnh hưởng của nhà Mạc. Đứng trước thảm họa đó, con cháu phải cải sang các Họ Hoàng, Phan, Phạm, Tô… Đến cuối năm 2004 đã tìm thấy 20 họ gốc Mạc ở khắp toàn quốc.

          Thời gian Họ Mạc phải cải sang các họ khác là từ năm 1592 (khi vua Mạc Mậu Hợp bị giết) đến năm 1688 (khi lực lượng cuối cùng của nhà Mạc bị diệt).

          Theo “Phú Nghĩa Tô tộc phả” thì đến đời 3 (khoảng năm 1750) mới cải sang Họ Tô. Điều này không hợp lý vì lúc đó việc cải họ là không cần thiết, còn Thủy tổ khoảng năm 1700 không thể giữ Họ Mạc.

          Vì vậy chúng tôi phán đoán là từ đời ông, cha ông Nha Úy đã cải sang Họ Tô và khi ông Nha Úy về Phú Nghĩa đã mang Họ Tô. Nhưng khi viết gia phả (khoảng 1889 - 1907), muốn để con cháu biết được nguồn gốc Tổ tiên nên người viết đã ghi lại họ cho hai ông Tổ đầu đời là Họ Mạc.

          Tô Duy là họ lớn gồm 4 chi, 24 phái, hậu duệ phát triển đến đời thứ 14:

          Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Họ Tô xã Quỳnh Nghĩa có trên 400 gia đình, hơn 2.600 nhân khẩu, sống tập trung tại 4 xã  thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và 2 xã thuộc huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, có một số gia đình ở các tỉnh, thành phố trong Nam, ngoài Bắc; do con cháu thoát ly đi làm việc nhà nước, đi bộ đội, làm công nhân, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi được nghỉ chế độ thì định cư tại nơi công tác.

          Hệ thống nhà thờ Tiên tổ được xây dựng từ họ gốc đến các chi phái gồm có: Từ đường ở xã Quỳnh Nghĩa, nhà thờ vọng ở xã Đồng Nơ (huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước), ¾ chi họ có nhà thờ riêng biệt, các phái còn lại có nhà thờ Tiên tổ trang nghiêm tại nhà Trưởng phái.

          Hằng năm, Họ tiến hành tế Tổ vào dịp đầu xuân năm mới, theo thứ tự từ họ gốc đến các chi, các phái; con cháu ở khắp mọi miền đất nước, khi có điều kiện đều cố gắng về quê cha đất tổ dâng hương cho Tiên tổ và gặp gỡ các thành viên trong họ; số còn lại tham dự lễ tế Tổ tại nhà thờ vọng cùng thời gian với họ gốc.

          Tóm lại, cách đây trên 300 năm, tiên tổ chúng tôi đã bí mật núp bóng Họ Tô để tránh thảm họa tru di. Qúa khứ và hiện tại, chúng tôi mang Họ Tô Duy. Tương lai khi chưa có gì thay đổi về mặt pháp lý, con cháu chúng tôi vẫn là những thành viên trong đại Tô tộc Việt Nam.

          Sau khi Dương Kinh được khôi phục, từ đường Họ Mạc được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, hằng năm các chi họ gốc Mạc trong toàn quốc, trong đó có Họ Tô Duy Quỳnh Nghĩa hành hương về xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng dâng hương cho Tiên tổ vào dịp tế Tổ hoặc giỗ Tổ.

                  Tô Duy Toan (đời 9)