Cô giáo vùng cao, và sự ra đời của một bài ca


1.

                Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi,

Tính tình tang đàn cô hát bên nương trên bản Mèo.

Cô tìm ai, tìm người yêu đang đứng đợi bên bờ suối chắc,

Không, không, không,

Cô đi tìm dạy đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao.

Ơ, cô giáo Tày chăm quá,

 Đảng đưa lên đây giúp người Mèo.

Tự bàn tay cô dựng nên ngôi trường mới đấy,

Tay đóng bàn, tay đóng ghế, tay cầm sách, tay cầm đàn.

Nghe cô giáo đàn vui các em đến trường đi học,

Giờ học xong bên suối trong dưới nắng chiều cô tắm giặt cho các em.

Chim én về gọi rừng lên đường mới,

Tiếng đàn ai còn vang mãi bên tai.

Cô giáo Tày như nương mùa xuân,

 Người Mèo ta đã trồng bên dòng thác lớn.

Như hoa ban xinh tươi nở rộ trên đồi,

Càng đẹp khi nắng mới soi tỏa khắp nơi.

2-
Cô giáo Tày đừng về ta giận đấy,

Mái trường đây, người với rẫy nương cao vẫn đợi chờ.

Cô về đâu, cùng người yêu đi đánh giặc nơi tiền tuyến chắc,

 Không, không, không,

 Cô đã trở về cùng bản Mèo đang trông ngóng đêm ngày nhớ mong.
Ơ, cô giáo Tày thương quá,

Đảng đưa lên đây giúp người Mèo.

Dành tiền lương cô để nuôi em nào thiếu thốn,

Đẹp mối tình yêu giai cấp, người Mèo cũng như người Tày.

Nghe cô giáo đàn vui các em đến trường đi học,

Giờ học xong đêm đã khuya dưới ánh đèn cô vá quần áo cho các em.

Nhớ nước nguồn chảy từ trên ngọn suối,

Núi rừng ta lòng ghi nhớ ơn Bác.

(Ơ, núi rừng này nhớ ơn Bác hát bài ca)

Ơn Bác Hồ đưa cô về đây,

Người Mèo ta biết đọc, ta đã biết viết.

Như sương tan, khi tiếng gà rừng gáy dồn,

(Khi trời sáng, núi rừng ta)

Nghe vui quá vang vọng núi xa.

 

          Trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng ít nhất một lần được nghe bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Đặc biệt, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, bài hát đó lại được ngân vang trên các phương tiện phát thanh, truyền hình cả nước.

          Nhân vật trong bài hát là cô giáo Tô Thị Rỉnh - người dân tộc Tày ở chân núi bản Nà Pù, xã Tân Việt, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Năm 1962, cô tình nguyện rời bản làng lên dạy học cho trẻ em người Mông trên đỉnh núi Nà Pù.

           Xã Tân Việt có 33 gia đình, cư trú ở 4 bản. Đi từ bản này sang bản khác có khi phải hết cả ngày đường, lại lắm dốc nhiều đèo, cây cối rậm rạp, cuộc sống của đồng bào có nhiều khó khăn nên việc học của con em chưa được quan tâm. Nơi đây cũng chưa có trường, lớp để làm nơi cho các em đến học, hơn nữa trẻ em vùng núi cao lại chỉ thích đùa nghịch, trèo cây, lội suối, bắt chim, bắt cá hơn là đi học chữ, ngôn ngữ lại bất đồng. Nhưng với tấm lòng yêu nghề yêu trẻ, Tô Thị Rỉnh lúc đó mới 21 tuổi đời đã quyết tâm vượt mọi khó khăn để đem cái chữ đến với con em đồng bào Mông ở vùng cao. Không quản ngại suối sâu đèo cao, ngày ngày cô đi vào các xóm, bản, đến từng gia đình vận động đồng bào cho con em đi học. Cô đã học chữ Mông để nói chuyện với đồng bào, với các em. Cô cùng lao động làm việc giúp đỡ các gia đình để gây cảm tình với nhân dân, vận động nhân dân cùng mình xây dựng trường lớp. Bản thân cô trực tiếp vào rừng chặt tre, nứa, cắt cỏ gianh để dựng lớp học, lợp mái, dùng đục để tự mình đóng bàn ghế cho các em. Có lần vừa dựng xong trường lớp thì một trận mưa bão lớn bất ngờ ập tới làm đổ sập. Cô lại vận động bà con trong bản tập trung làm cả ngày lẫn đêm để kịp cho các em có lớp học. Lúc đầu lớp học chỉ có 4 đến 5 em, thậm chí có lúc chỉ còn 1, 2 em nhưng cô vẫn kiên trì vừa dạy vừa đi vận động. Để thu hút đám trẻ nhỏ đến lớp, cô đã mang theo cây đàn tính là loại đàn người Tày vẫn thường dùng để gảy cho các em nghe và dạy các em hát. Sau mỗi buổi học, cô còn tắm giặt cho các em nhỏ. Đêm đêm bên ngọn đèn khuya cô còn ngồi vá quần áo cho các em. Tiêu chuẩn gạo của cô mỗi tháng có 13 kg, nhưng cô Rỉnh đã san sẻ ra thành 4 suất để dành cho các em học sinh ở nhà xa và có hoàn cảnh khó khăn cùng ở lại trường với cô. Có hôm cô chỉ ăn cháo, hoặc ăn rau và củ mài... để nhường phần cơm cho các em. Cô nói: “Cô đói một chút cũng không sao nhưng để học sinh ở với cô đói, lỡ các em bỏ trường về”. Cô còn dành tiền lương ít ỏi của mình để mua giấy bút, mực, sách vở cho các em. Nắm vững tâm lý của trẻ em miền núi, cô giáo Rỉnh luôn quan tâm và coi trọng phương châm “Dạy chữ, dạy người”, áp dụng phương pháp giáo dục “Học mà chơi, chơi mà học” nên học sinh rất dễ tiếp thu.

          Thời gian trôi qua, cô đã thực sự trở thành một người mẹ, người cô, người chị ruột thịt của những trò nhỏ của xã vùng cao tỉnh Cao Bằng. Người Mông ở đây từ chỗ không muốn cho con đi học, nhưng cảm phục tấm lòng nhiệt tình, sự chân thành của cô đã tin yêu, quý mến cô cho con đi học và giao con cho cô chăm sóc. Bà con còn tạo mọi điều kiện để giúp cô hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đầu chỉ có vài ba em tới lớp, dần dần trường Nà Pù của cô giáo Rỉnh đã có 30 em tới học.

          Sau một nămở Nà Pù, cô giáo Rỉnh lại nhận quyết định đi mở trường ở nơi khác. Lòng cô bao nỗi vấn vương vì phải xa Nà Pù, không muốn xa các em học sinh thân yêu mà cô đã gắn bó như con đẻ của mình. Bà con dân bản Nà Pù cũng không muốn xa cô, không ai bảo ai cùng kéo nhau đến trường góp rượu, lợn, gà, gạo nếp tổ chức liên hoan chia tay cô giáo người Tày. Già bản Lý Tràn Pu không nén nổi xúc động nắm chặt tay cô Rỉnh: “Từ lúc con lên đây chưa biết nói tiếng của ta, thế mà bây giờ con đã là anh em, là con một nhà của người Mông ta rồi, người Mông Nà Pù này biết ơn con nhiều lắm”.

          Tạm biệt bản Nà Pu, cô giáo Tô Thị Rỉnh lại khoác cây đàn tính trên vai tiếp tục đi tới những vùng sâu, vùng xa để mở trường, dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người.

          Với những thành tích trên, cô giáo Tô Thị Rỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành giáo dục. Một vinh dự lớn đến với cô là được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước vào tháng 1 năm 1967. Cô là đại biểu trẻ nhất với 24 tuổi đời. Bản báo cáo tóm tắt thành tích đáng nể cùng với vóc dáng nhỏ bé của cô đã để lại nhiều ấn tượng cho các đại biểu dự Đại hội.

          Nhạc sĩ Văn Ký vinh dự được dự Đại hội này, với nguồn cảm xúc về tấm gương của cô giáo Rỉnh, ngay đêm hôm đó ông đã sáng tác liền một mạch xong bài hát với tựa đề “ Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Bài hát đã được tốp nữ diễn viên Đoàn ca múa nhân dân Trung ương khẩn trương tập và hát phục vụ bế mạc Đại hội. Bài hát ra đời được công chúng đón nhận với những cảm xúc đặc biệt.

          Cô giáo Tô Thị Rỉnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, được vinh dự gặp Bác Hồ và được chụp ảnh cùng với Bác. Năm 1964 cô được kết nạp vào Đảng. Xưởng phim truyện Việt Nam cũng đã xây dựng và cho ra mắt bộ phim: “Cô giáo vùng cao” kể về tấm gương của cô giáo Tô Thị Rỉnh, được đông đảo công chúng yêu âm nhạc và điện ảnh trân trọng đón nhận.

          Gần 40 năm trôi qua, xã Tân Việt, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nơi cô giáo Tô Thị Rỉnh dạy học trước đây đã mọc lên nhiều ngôi trường mới, có nhiều trang thiết bị dạy học, đường về các bản làng đã được mở rộng, đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Cô giáo Tô Thị Rỉnh đã qua đời ở tuổi 66 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng tất cả những gì cô đã làm cho các em học sinh thân yêu đã để lại một tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.

          Tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ 5 hiện vật của cô giáo Tô Thị Rỉnh gồm có đàn tính, chiếc mũ, khăn quàng cổ, đục, dao rựa. Bảo tàng Phụ  nữ Việt Nam cũng đang lưu giữ một cây đàn tính khác của cô giáo Rỉnh.

          Nguyễn Thị NhiTrúc Phương