Về 82 tấm văn bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Hà Nội


                 Hình 1: Một phần nhà Văn bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội.

          Lời dẫn.

          Có lẽ mỗi người dân Việt Nam trong đời đều nghe nói và nhiều người đã từng đến và chiêm ngưỡng 82 tấm văn bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội,với sự kính phục trước quy mô hùng tráng của văn bia, sự tinh xảo trong kỹ nghệ điêu khắc, sự uyên bác của thông tin được truyền tải trong mỗi văn bia. Toàn bộ 82 văn bia Tiến sỹ ở Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thực sự là báu vật của dân tộc Việt Nam. Bài báo này xin nói đến một số thông tin thú vị liên quan đến 82 văn bia này để chúng ta thêm yêu mến và trân trọng một công trình văn hóa lịch sử quý báu nêu trên. 

          1. Thời điểm xuất hiện

          Ngày 15 tháng Tám (Ngày Rằm Trung Thu) năm Giáp Thìn Hồng Đức thứ 15 (ngày 4 tháng 9 năm 1484) loạt bia Tiến sỹ đầu tiên gồm 10 tấm đã được dựng lên trong vườn trước cửa Đại Thành trong khu Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long.

          Trước đó, vua Lê Thánh Tông đã cho soạn và in xong Đăng Khoa lục, quyển sách đầu tiên ghi danh những người đỗ Đại khoa (Tiến sỹ Nho học) và phát cho sinh viên Quốc Tử Giám vào ngày 13 tháng 4 năm Giáp Thìn Hồng Đức thứ 15 (ngày 2 tháng 5 năm 1484).

           Các bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được dựng trong thời gian gần 300 năm (từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh Tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).

          2. Nội dung văn bia

          Văn bia gồm 3 nội dung chính là:1/ Bài ký ghi lại khái quát quá trình diễn ra kỳ thi Hội, thi Đình, danh sách các quan coi thi, chấm thi và sơ lược kết quả cuộc thi, cũng như những ân sủng nhà Vua ban cho các tân khoa Tiến sỹ, 2/ Tên tuổi, chức tước các quan tổ chức, coi thi và chấm quyển, viết bài ký, các người viết chữ và khắc chữ trên văn bía và 3/ danh sách tân khoa Tiến sỹ theo thứ tự từ Tiến sỹ cập đệ Đệ Nhất giáp (Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa) Tiến sỹ xuất thân Đệ Nhị giáp (Hoàng Giáp) và Đồng Tiến sỹ xuất thân Đệ Tam giáp (Tiến sỹ). 

          3. Những người tham gia tạo văn bia Tiến sỹ Văn miếu Quốc Tử Giám

          - Những người soạn nội dung văn bia đều là các danh nho bậc nhất đương thời của Đại Việt, như các tiến sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào CửĐàm Văn  LễLê Ngạn TuấnNguyễn Đôn PhụcNguyễn Trùng XácLưu Hưng HiếuLê TrungVũ Duệ,...

          - Những người viết chữ, khắc chữ trên bia đá. Để văn bia có giá trị cao về nghệ thuật điệu khắc và thư pháp, việc tạo bia thường được trực tiếp các quan Thượng Thư bộ Công, bộ Lễ trực tiếp trông nom. Từ việc chọn đá thanh (đá có vôi mịn, có kết cấu vữngchắc, chịuđược phong hóa tốt) được lấy từ núi đá ở làng An Trạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Thợ khắc bia được chọn là thợ đá ở xã Kính Chủ, Kinh Môn, Hải Dương, còn thợ khắc chữ nổi tiếng ở hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng, Gia Lộc, Hải Dương. Đặc biệt là với 7 tấm bia Tiến sỹ dựng đầu tiên (khoa thi các năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1475, 1478 và 1481), thợ khắc chữ là cụ Tô Ngại với chức danh Mậu lâm lang Kim Quang môn đãi chiếu.    

          Hình 2: Bia tiến sĩ khoa thi Nho học năm Nhâm Tuất (1443) niên hiệu

                            Đại Bảo thứ 3, là bia Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam

          4. Bao nhiêu khoa thi (thi Hội, thi Đình) được dựng bia.  

          Thời kỳ      Số khoa thi    Số bia hiện còn    Không dựng   Số mất          Ghi  chú

Lê sơ                     26             13                              05            08   Mất trước 1750

Mạc                       22             01                             21   

Lê Trung hưng     73             68                             04           01   Mất trước 1924

Cộng:                   121             82                             30          09

          5. Bao nhiêu Tiến sỹ có tên trong văn bia Tiến sỹ Văn miếu Quốc Tử Giám.

          - Đệ Nhất giáp (Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa)          85 người

          - Đệ Nhị giáp  ( Tiến sỹ xuất thân Hoàng giáp)                        283 người

          - Đệ Tam giáp ( Đồng Tiến sỹ xuất thân thường gọi là Tiến sỹ 929 người

                                                                                  Tổng cộng : 1297 người

          Kết luận.

          Văn bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thực sự là công trình Văn hóa – Lịch sử quý báu của dân tộc thể hiện sự tôn trọng tri thức, văn hóa của các bậc tiền nhân thôi thúc các thế hệ trẻ Việt Nam. Việc bảo tồn và lan tỏa ý nghĩa của Văn miếu Quốc Tử Giám hôm nay luôn là việc làm có ý nghĩa thiết thực với sự phảt triển bền vũng của nước nhà.  

             Tô Lê Cường (sưu tầm và biên soạn)

          Tài liệu gốc :

          1. Ngô Đức Thọ chủ biên, Văn miếu Quốc Tử giám và 82 văn bia Tiến sỹ, NXB Hà Nội, 2007.

          2. Ngô Đức Thọ chủ biên, Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075-1919.