Tay trần mở đường huyền thoại


             Thiếu tướng Tô Đa Mạn với tấm bản đồ cung đường cơ giới đầu tiên vượt dãy Trường Sơn

           Từ tháng 8-1964 đến tháng 8-1968, sau đúng 4 năm ròng rã, con đường cơ giới “bổ dọc” Trường Sơn từ điểm đầu tiên Sa Đi - Mường Noòng (Lào) vào tận Sê-rê-pok của Tây Nguyên (điểm chót con đường) - đặt nền móng cho một cuộc tổng tấn công giành thắng lợi hoàn toàn vào 8 năm sau (tháng 4-1975) - đã được hoàn thiện. Thế nhưng, để khai sinh ra con đường cơ giới đầu tiên và đặc biệt là để giữ được con đường, chắp nối giao thông, đảm bảo liền mạch cho người và xe lũ lượt đi trong suốt những năm giặc Mỹ liên tục truy lùng, bắn phá, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn… không ít người đã phải nằm lại. 

          Ngày đêm mở đường ra trận

          Thiếu tướng Tô Đa Mạn kể: “Điều đáng nói là chúng tôi đã mở một con đường xuyên dãy Trường Sơn, vượt qua núi cao, luồn bao rừng rậm, kéo dài hàng ngàn cây số, qua nước bạn Lào hoàn toàn bằng những cánh tay trần”.

          Cho đến bây giờ, ông Mạn vẫn còn ngỡ ngàng trước chính sức mạnh phi thường của mình và đồng đội: “Mở đường, khoét núi mà chúng tôi không hề có một cân bộc phá, mà nếu có cũng không dùng được. Chúng tôi phải khoét từng viên đá một rồi bóc, bẩy ra một cách âm thầm, nhẫn nại để tạo nền đường cho xe chạy. Những chỗ ngầm sâu thì vác đất đá xuống lèn lại. Cứ sáng tinh mơ là cả ngàn người lại lũ lượt làm, đến 7-8g đêm mới nghỉ. Riêng khi làm Đường C4, chúng tôi đã làm tới tận 10-11g đêm, thậm chí có khi suốt 24 giờ liền, chỉ thay nhau chợp mắt vài chục phút lại lao vào cuốc đất, đục đá, chặt cây, lấp ngầm”.

          Lúc đó,Ttrung đoàn của ông không cắm trại như trước nữa mà ăn, ngủ ngay trên mặt đường. Bởi thế, chỉ sau đúng 38 ngày đã làm xong chặng đường dài tới 204km. “Không có tiếng nói, tiếng cười, lầm lũi làm đường để mong đường càng thọc sâu vào chiến trường, nơi các chiến sĩ của chúng ta đang ngày đêm đương đầu với giặc. Và cũng bởi vì phía sau của chúng tôi là cả một đại quân đang từng ngày một mong con đường để chi viện hàng và quân lực cho chiến trường”.

          Ông kể, trong chặng đường từ Sa Đi - Mường Nòng tới sông Bạc, do đường được mở trên đất của Lào nên anh em phải đội nón và quần áo của người Lào, tất cả các tư trang và quần áo Việt đều bỏ lại ở Đồng Hới (Quảng Bình).

          ng Mạn bảo: “Chiến tranh thì cái gì cũng thiếu thốn, gạo còn không có đủ ăn. Để có năng lượng sống và mở đường chiến đấu, anh em hầu như phải ăn rau rừng thay cơm. Tuy nhiên, cái đói cũng không đáng sợ bằng những cơn sốt rét ác tính ở rừng Trường Sơn. Hy sinh vì bom có khi không nhiều bằng vì sốt rét. Khi đã sốt rét, có khi chỉ 2-3 ngày sau là chết. Trung bình, mỗi ngày Trung đoàn chúng tôi có tới 5-7 đồng chí hy sinh vì sốt rét”.

          Trong điều kiện mở đường gian lao như vậy, đến giữa năm 1965, có lẽ vì mạng tình báo của Mỹ “đánh hơi” được nên hàng ngàn chiến sĩ mở đường còn phải hứng chịu thêm tình trạng máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Lúc đó, hàng ngàn chiến sĩ của Trung đoàn 98 phải làm đường trong cảnh mưa bom, bão đạn. Nhưng cả bom đạn, đói khát, sốt rét cũng không lung lạc được ý chí mở đường thần tốc.

          Giữ con đường máu

          Cuối năm 1966, sau khi đã mở con đường máu đến ngã ba biên giới, chạm tới chiến trường Tây Nguyên, nơi đang được coi là sào huyệt địch thì Trung đoàn 98 chia làm 3 mũi. Một tiểu đoàn vừa cầm súng chiến đấu với giặc vừa mở con đường thần tốc, vượt qua đỉnh Ăng Bum hiểm trở rồi tới Sa Thầy và vượt cả dòng Pô Kô để vào cắm cờ tận Sê-rê-pok.

          Trong khi đó, hai Tiểu đoàn 1 và 2 ở lại để đảm bảo an toàn cho hai chặng đường máu thịt vừa được mở là Đường 128 (tuyến đường cơ giới đầu tiên chạy dọc Trường Sơn) và Đường C4. Ông Mạn được phân công ở lại Binh trạm 37. Đây là binh trạm đầu mút của Đoàn 559, đóng ở ngã ba biên giới, nơi giao nhau giữa Đường C4 và Đường cơ giới 128, nhằm đảm bảo giao thông cho 300km dọc đường cơ giới 128.

          Năm 1969, ông Tô Đa Mạn được trên cử làm Phó Trưởng binh trạm 37. Ông kể: “Do binh trạm của chúng tôi nằm sát nách chiến trường Tây Nguyên, sào huyệt địch nên kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt để ngăn chặn không cho xe và quân ta tiến vào Tây Nguyên. Ngày cũng như đêm, không chỉ các loại máy bay trinh sát, cường kích, B52… đổ bộ, gầm réo trên không như điên dại, thả bom dữ dội như mưa mà cả biệt kích đường bộ và pháo cũng thọc nách sang. Chúng tôi vừa phải đáp trả máy bay Mỹ lại vừa phải chiến đấu với biệt kích, trong khi nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cho đường thông, các đoàn xe lũ lượt vào Nam”.

          Ông Mạn nhớ lại: “Để thông đường, chống ùn tắc do bom Mỹ thả, hầu như anh em chúng tôi phải ăn ngủ ngay bên đường. Cứ sau loạt bom vừa dứt, đường sá nát bươm, đổ nát thì anh em chúng tôi đã có mặt để vá đường. Song giặc Mỹ rất xảo quyệt, luôn nhằm vào những nơi hiểm trở, khó vá víu như những khúc cua để bắn phá. Đặc biệt, chúng dùng loại bom nổ chậm để thả nên ban đầu nhiều anh em đã bị thương, hy sinh ngay trong khi cứu đường. Sau đó, khi chúng ta sáng chế ra loại thiết bị phá bom nổ chậm thì chúng lại phát minh ra bom từ trường, chỉ cần gặp kim loại là phát nổ. Chúng ta tìm ra cách phá bom từ trường thì chúng sử dụng bom tổng hợp. Cuộc chiến dưới làn bom đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh. Nhưng chúng tôi đã sống và chiến đấu không mệt mỏi, không nao núng, không run sợ. Đường bị bom đạn phá nát nhưng ngay lập tức đường lại liền mạch, xe lại lũ lượt đưa quân lực và vũ khí thọc sâu vào chiến trường miền Nam”.

          Cứ như thế, những con đường trận mạc cứ mở dần ra như những trận đồ bát quái dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ.

          Văn Phúc Hậu (Sài Gòn Giải Phóng)