HỌ TÔ THÔN VĂN GIAI, CHÍ MINH, CHÍ LINH, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG


Di tích lịch sử Đền Quốc phụ thờ Huệ Võ Đại Vương Trần Quốc Chẩn,  Chí Linh, Hải Phòng. Ảnh TL                                          

          Theo gia phả của chi họ (viết từ thế kỷ 17, năm Ất Tỵ 1665) thì Thủy tổ là cụ Tô Văn Lộc, Tổ bà là Hoàng Thị Phụ, các cụ từ trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) về thôn Văn Giai, Chí Minh (nay là Chí Linh), thành Hải Phòng từ cuối thế kỷ 16, đến nay trên 400 năm.

          Chi họ có 4 cành, truyền 12 đời với 63 hộ, 192 nhân khẩu; trong đó có 2 hộ, 8 nhân khẩu định cư tại Bắc Ninh. Nghề nghiệp chính là làm ruộng, đời sống bà con ổn định, một số khá giả, vẫn còn 2 hộ nghèo.

          Theo phả tộc, cụ Tổ Tô Văn Lộc có người con gái tên là Tô Thị Nụ, tuổi 18 đôi mươi, sắc nước hương trời. Đầu thế kỷ 17, khi giặc phương Bắc xâm lược nước ta, tướng giặc bắt bà đưa xuống chiến thuyền, định đem về Bắc quốc làm vợ. Tình thế không cưỡng được, bà yêu cầu tướng giặc vào làng Kênh Trung, mượn long kiệu rước bà xuống thuyền (nhỏ) để đưa ra chiến thuyền. Đến giữa sông có dòng nước xoáy, bà đứng trên long kiệu dậm mạnh làm cho thuyền đắm, chết 4 tên lính khiêng kiệu, rồi bà nhảy xuống sông tuẫn tiết. Hiện nay con cháu đã xây lăng mộ cho bà Tổ cô.

         Nhật kỵ bà Tổ cô ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Khi xây lăng mộ bà Tổ cô Tô Thị Nụ, chi Họ Tô thôn Kênh Trung cũng ra nhận mộ, nói bà Tô Thị Nụ cũng là Tổ cô của Họ Tô Kênh Trung. Theo lời ông Tô Văn Linh, Họ Tô Kênh Trung làm Lý trưởng làng Kênh Trung (khoảng năm 1940) thì Họ Tô thôn Văn Giai và Họ Tô thôn Kênh Trung là cùng một ông Tổ.

          Họ Tô thôn Văn Giai cúng kỵ Thủy tổ Tô Văn Lộc vào ngày 25 tháng Mười âm lịch.

          Họ Tô thôn Kênh Trung không biết tên Thủy tổ, nên cúng kỵ nhật Thế tổ Tô Văn Bang (con cụ Thủy tổ), tức Tô Tổng Cảnh cũng vào ngày 25 tháng Mười âm lịch. Nếu chi tiết này được kiểm chứng thì chi Hộ Tô thôn Kênh Trung, Văn An và chi Họ Tô thôn Văn Giai, Chí Minh có cùng Thủy tổ Tô văn Lộc và Thế tổ Tô Tổng Cảnh. Và cả hai chi họ đều nói là Thủy tổ từ trấn Kinh Bắc về. Tuy nhiên cũng có vấn đề cần nghiên cứu thêm là thời gian từ Kinh Bắc về Hải Dương không giống nhau.

          Phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, lớp lớp con cháu lên đường đánh Pháp, đánh Mỹ và bảo vệ biên giới; đã có 52 người tham gia lực lượng vũ trang, 2 liệt sĩ, 2 thương binh. Trong họ có 2 sĩ quan cao cấp (Thượng tá) quân đội và công an. Trong họ có 17 người tốt nghiệp đại học, 3 thạc sĩ đang làm viềc trong cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.

          Chi họ đã đầu tư 500 triệu đồng xây nhà thờ họ năm 2005 và xây lăng mộ Thủy tổ năm 2011.

              Tô Văn Bảo