HỌ TÔ XÃ CHÂU HƯNG, HUYỆN THẠNH TRỊ, TỈNH SÓC TRĂNG


          Người dân xã Châu Hưng trồng các loại cây màu ngắn ngày để nâng cao thu nhập cho gia đình. (Ảnh TL)

          Xã Châu Hưng (thị trấn Hưng Lợi) thuộc địa bàn vùng sâu của huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ngoài các dân tộc Kinh (người Việt), dân tộc Khơ me bao đời sinh sống, còn có 136 hộ của dòng Họ Tô (người Hoa) với 372 nhân khẩu.

          Theo gia phả nhiều đời truyền lại, người Họ Tô đến xã Châu Hưng đầu tiên là ông Tô Hoạch (Chệt Lùn), sinh năm 1887 và ông Tô Sua Kim, sinh năm 1889. Các tài liệu, sử sách như “Lịch sử Nam Bộ xưa và nay” (nhiều tác giả), “Gia Định thành thông chí” (Huỳnh Tịnh Của) đều ghi nhận vùng đất Phú Lộc (Thạnh Trị) nói riêng, vùng đất Ba Xuyên nói chung vào thời điểm này còn “khá hoang vu, cỏ năn cỏ lác, cây bụi, cây choại mọc um tùm, dân cư còn thưa thớt”…

          Với bản tính thật thà, chất phác, cần cù, tiết kiệm, chịu khó trong làm ăn, cả hai ông đến xã Châu Hưng với nghề buôn bán nhỏ, chủ yếu lấy công làm lời.

          Trải qua những khó khăn ban đầu, hai ông dần dần có tích lũy và mở rộng việc buôn bán hàng hóa. Lần lượt họ lập gia đình và gia đình vợ chồng luôn hòa thuận, biết nhường nhịn, sẻ chia nên việc làm ăn ngày càng tấn tới.

          Gia đình ông Tô Hoạch có được 9 người con (gồm 6 trai, 3 gái). Tất cả đều làm ăn phát đạt… Đến năm 1960, cả 9 người con đều có tiệm tạp hóa buôn bán lớn, bán sỉ đi khắp cả huyện.

          Gia đình ông Tô Lùn có 7 người con (gồm 4 trai, 3 gái). Tất cả đều có nhà máy xay xát và kho chứa lúa lớn (lẩm lúa), hằng năm cho hơn 100 hộ nông dân Họ Tô và các hộ nông dân khác gửi lúa, đợi đến khi giá cao bán lại cho vựa lúa. Dần dần nông dân trong xã không phải Họ Tô cũng đến gửi lúa cho chành, tạo thói quen, tập quán, làm lúa xong chở lúa đến chành lúa gửi, nên xã Châu Hưng trước đây còn được gọi là Ông Kho.

          Nhằm mục đích để cho Họ Tô ngày càng lớn mạnh, từ năm 1960, những người Họ Tô biết tập hợp nhau lại, xem nhau như là anh em, bà con ruột thịt với nhiều hình thức phong phú. Đó là dòng Họ Tô cùng tổ chức cúng Thanh Minh chung, đi đám tang người chết, thăm viếng, giúp đỡ bệnh nhân Họ Tô chung.

          Với quan niệm “Một câu làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, từ 1960 Họ Tô xã Châu Hưng (Ông Kho) đã biết đoàn kết anh em, bà con trong dòng họ thành một khối, cùng đồng tâm nhất trí bầu ra người đứng đầu là ông Tô Hoạch, người Hoa gọi là Ông Bang.

          Một điều đáng trân trọng, tự hào là dòng Họ Tô Châu Hưng từ rất lâu đã ý thức được sự giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong làm ăn, sinh hoạt, buôn bán. Trong kinh doanh làm nông nghiệp, giúp vốn cho người nghèo bằng cách Ông Bang (Chệt Lùn) quy định mỗi nhà góp tiền tạo vốn ban đầu.

          Thí dụ có 30 gia đình góp tiền; được số vốn giao lại cho 10 người nghèo nhất dùng trước trong năm. Năm kế theo giao tổng số tiền cho 10 người kế tiếp. Còn lại 10 người sẽ được giao năm thứ 3, tất cả những người nhận tiền đều không phải trả lãi.

          Đây chính là việc làm “xóa đói giảm nghèo” mà dòng Họ Tô xã Châu Hưng đã đi trước hàng chục năm cho dòng họ của mình.

          Riêng những người Họ Tô ở nông thôn, được Ông Bang vận động bán nợ không tính lãi vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu đến Tết Nguyên đán mới trả tiền. Những họ thiếu gạo lúa giáp hạt được cho mượn gạo ăn không tính lãi.

          Truyền thống này được Họ Tô xã Châu Hưng duy trì, phát huy ngày càng tốt hơn. Từ đó, mỗi gia đình, mỗi người trong dòng Họ Tô Châu Hưng đều chí thú làm ăn, học hành thành đạt. Mối gắn kết giữa anh em, họ hàng ngày càng bền chặt hơn. Tấm lòng của dòng họ thật cao cả, thiêng liêng bởi cùng chung Tổ tiên, chung nguồn cội…

             Tô Văn Hiệp (Trưởng ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Sóc Trăng)