HỌ TÔ TỈNH TÂY NINH


                 “Ngọn đuốc” biểu tượng phong trào Đồng khởi tại trung tâm huyện Châu Thành (Ảnh TL)

          Ba chi Họ Tô ở Long Vĩnh (huyện Bến Cầu), Thành Long và Ninh Điền (huyện Châu Thành):

          Theo lời kể của các ông: Tô Ngọc Hữu (Năm Hữu) ấp Long Phú, xã Long Vĩnh; Tô Văn Sáng ấp Thành Đông, xã Thành Long và Nguyễn Văn Thanh – con rể Họ Tô xã Ninh Điền – Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh, tóm lược là:

          Tổ tiên của ba chi họ này là người đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

          Ở ven biển làm nghề nông, kết hợp đánh cá, trồng rau. Do gặp thiên tai (có thể là bão lớn), gia tài khánh kiệt, nên phải chạy sang Việt Nam tìm kế sinh nhai. Đoàn đi đông người, nhưng chắc toàn là đàn ông, con trai (như đoạn mở đầu gia phả do ông Năm Hữu viết thì các ông Tổ đến Việt Nam mới lập gia đình); đến miền Nam Việt Nam cách đây khoảng 200 năm, phân tán ở nhiều nơi như: Chợ Lớn, Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh. Cụ Tổ của ba chi họ này về Tây Ninh, kết duyên với phụ nữ Việt Nam, sinh được 3 người con trai, khi trưởng thành định cư ở ba nơi, trở thành Thế tổ của ba chi họ trên (Chi Họ Tô xã Ninh Điền thì cho là Tổ tiên sang Việt Nam trong phong trào phản Thanh phục Minh).

          Người con cả định cư ở Long Vĩnh (huyện Bến Cầu) là ông Tổ của Họ Tô Giếng Mạch. Người con thứ hai về định cư ở xã Thành Long (huyện Châu Thành) là ông Tổ của Họ Tô Tam Hợp. Người con thứ ba về định cư ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) là ông Tô của Họ Tô Ninh Điền.

          Tính từ Thủy tổ đến các thế hệ ngày nay đã là đời thứ 8 (Ninh Điền nói là từ 7 đến 8 đời, Tam Hợp cho rằng từ 6 đến 7 đời, nhưng đó là tính đến thế hệ đã trưởng thành, nếu tính các thế hệ mới sinh thì có thể thêm từ 1 đến 2 đời nữa).

          Nghề nghiệp chính là làm nông, một số ít làm thêm các nghề khác như: Buôn bán nhỏ, thủ công nghiệp, dịch vụ…

          Với 2 chi Họ Tô Giếng Mạch và Tam Hợp không có thời gian tìm hiểu sâu, nhưng riêng chi Họ Tô Ninh Điền thì là một chi họ có truyền thống cách mạng. Trong chi họ có ông Bảy Lăm (đã mất), không biết tên chính thức là gì, nhưng là cán bộ lão thành cách mạng, có Tô Thành Đông là Xã đội phó và Tô Thị Tuyết Mai là Phó phòng Tổng hợp Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh.

          Chi Họ Tô xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng):

          Ở đây có khoảng 40 hộ, chi họ có nhà thờ nhưng ở xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo ông Tộc trưởng cho biết thì chi họ có mối quan hệ với Họ Tô xã Trung Lập Thượng, nhưng không biết chi Họ Tô xã  Lộc Hưng (Trảng Bàng) là gốc hay chi Họ Tô Trung Lập Thượng là gốc.

          Chi họ này chưa có bài giới thiệu và năm 2012 khi Đoàn Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đến thăm, Tộc trưởng Tô Văn Dũng (ở khu phố 2, ấp Lộc An, xã Lộc Hưng) cũng không cung cấp được thông tin gì, nên cũng không có thông tin chi tiết về chi họ này.

          Ngoài ra, ở xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cũng có khoảng 10 hộ Họ Tô; đại diện là ông Tô Văn Tâm, tổ 2, ấp Thanh Tân, xã Thạnh Tây. Theo ông Tâm cho biết gốc của chi họ là từ Bình Dương về xã Lộc Hưng (Trảng Bàng), rồi một số gia đình lại từ Trảng Bàng về Tân Biên. Hiện nay việc họ vẫn theo về chi Họ Tô xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng.

             Họ Tô Việt Nam